Chương 5

Khách quan mà nói thì nó đâu có gì đáng sợ. Khi lớn thì nó chẳng to cao đặc biệt , không khoẻ, xấu đấy, nhưng đâu xấu ghê gớm đến nỗi người ta phải sợ nó. Nó không hung hăng, không nham hiểm, không lén lút, không khiêu khích. Nó còn thích sống tách biệt nữa kia. Còn trí thông minh của nó cũng chẳng có gì ghê gớm. Mãi năm lên ba nó mới biết đứng, nói chữ đầu tiên lúc lên bốn, đó là chữ “cá”, buột ra như thể một tiếng vọng trong một lúc kích thích bất chợt khi từ xa một người bán cá đi tới Rue de Charonne lớn tiếng rao hàng. Những tiếng kế tiếp nó thốt ra là “cây quỳ thiên trúc”, “chuồng dê”, “cái lá xoăn”, và “Jacqueslorreux”, cái chữ sau cùng là tên một người phụ việc vườn tược cho nữ tu viện Filles de la Croix ở gần đó, thỉnh thoảng vẫn làm cho Madame Gaillard những việc nặng và nổi tiếng vì trong đời chưa hề tắm lần nào. Nó ít khi dùng đến động từ, tính từ và từ chêm. Ngoài “có” và “không” – mà mãi sau này nó mới nói – nó chỉ dùng danh từ, đúng hơn là tên riêng của mỗi vật, cây cỏ, thú vật, người cụ thể và cũng chỉ khi nào mùi của những vật, cây cỏ, thú vật và người này đột nhiên chế ngự nó.

Một ngày tháng ba, ngồi phơi nắng trên một chồng gỗ sồi mới xẻ, gỗ bị nắng nứt kêu răng rắc, đó là lần đầu tiên nó thốt ra từ “gỗ”. Nó đã trông thấy gỗ cả trăm lần trước đó, cái từ đó cũng đã nghe cả trăm lần. Nó cũng hiểu vì mùa đông nó thường bị sai ra ngoài lấy gỗ. Nhưng cái gọi là gỗ chưa bao giờ làm cho nó quan tâm để phải nhọc công nói ra tên ấy. Điều này chỉ xảy ra vào cái ngày tháng ba ấy khi nó ngồi trên đống gỗ nọ. Đống gỗ được xếp chồng lên nhau như thể cái ghế dài dưới một cái mái ở mặt nam kho dụng cụ của Madame Gaillard. Những thớt gỗ trên cùng mùi ngọt hắc, từ phía dưới bốc lên mùi rêu và từ vách gỗ thông của nhà kho bay ra trong nắng ấm mùi thơm của nhựa.

Grenouille ngồi im trên đống gỗ, duỗi thẳng chân, lưng tựa vách nhà kho và nhắm mắt lại. Nó không trông thấy, không nghe và không cảm thấy gì cả. Nó chỉ ngửi mùi thơm của gỗ bốc lên quanh nó và bị giữ lại dưới cái mái như trong một cái nón. Nó uống mùi thơm ấy, nó chết đuối trong đó, tẩm vào người đến tận lỗ chân lông cuối cùng, hoá thành gỗ, rồi như thể một hình nhân bằng gỗ, nó nằm chết trên đống gỗ chẳng khác một Pinochio, cho đến một lúc lâu sau, hình như là mãi nửa tiếng sau, nó oẹ ra cái từ “gỗ”. Nó oẹ ra cái từ ấy như thể là nó được nhồi gỗ đến tận tai, như thể bụng nó, họng nó, mũi nó toàn là gỗ. Cái từ ấy làm cho nó tỉnh lại, cứu nó kịp trước khi nó bị sự có mặt áp đảo của gỗ, của mùi gỗ, làm cho chết nghẹt. Mãi mấy ngày sau nó vẫn còn choáng váng do đã nếm cái mùi quá mạnh ấy và khi quá nhớ thì không ngớt lẩm bẩm van nài “gỗ, gỗ”.

Nó học nói như thế đấy. Những từ chỉ đối tương không mùi, nghĩa là những khái niệm trừu tượng, đặc biệt là những thứ về đạo đức và luân lý là quá khó đối với nó. Nó không nhớ nổi, lẫn lộn hết trơn, ngay cả khi đã lớn nó cũng không thích dùng, và thường là dùng sai, tỉ như công lý, lương tâm, thượng đế, hân hoan, trách nhiệm, khiêm tốn, biết ơn, vân vân…những khái niệm này dùng để chỉ cái gì thì đối với nó mãi mãi là bí ẩn.

Mặt khác ngôn ngữ thông dụng nhanh chóng trở thành không đủ để chỉ tất cả những vật mà nó đã gom góp bằng khứu giác. Chẳng mấy chốc nó không chỉ ngửi gỗ nói chung, mà loại gỗ như gỗ thích, gỗ sồi, gỗ thông, gỗ cây du, gỗ cây lê, già, non, mục, mủn, có rêu thậm chí từng khúc gỗ một, dằm, mảnh gỗ và ngửi rành rẽ những vật thể khác nhau mà người khác không phân biệt nổi bằng mắt. Với những vật khác cũng vậy. Cái thứ nước màu trắng mà sáng sáng madame Gaillard cho lũ trẻ uống luôn được gọi là sữa thì theo cảm giác của Grenouille thì mỗi sáng có mùi và vị khác nhau tuỳ theo độ ấm, của con bò nào, và con bò này đã ăn gì, còn được bao nhiêu chất béo, v..v..Còn khói, một tổng hợp của hàng trăm mùi khác nhau, biến đổi thiên hình vạn trạng từng phút, thậm chí từng giây thành một thể thống nhất mới như khói của ngọn lửa, lại chỉ có cái tên “khói” này thôi…Rồi đất, phong cảnh, không khí mà trong từng bước đi, từng hơi thở đều được rót đầy mùi khác nhau và như thế được mang một đặc tính khác rồi sao vẫn chỉ được gọi bằng ba cái từ thô thiển ấy thôi].

Tất cả những khập khiễng lố bịch ấy giữa sự phong phú của cái thế giới nhận biết được qua mùi và sự nghèo nàn của ngôn ngữ khiến thằng nhỏ Grenouille hoàn toàn nghi ngờ về ý nghĩa của ngôn ngữ, nên nó có thói quen chỉ dùng đến ngôn ngữ khi sự giao tiếp với người khác nhất thiết đòi hỏi.

Năm lên sáu nó đã hoàn toàn nắm rõ môi trường chung quanh qua khứu giác. Trong nhà Madame Gaillard không vật gì, phía bắc Rue de Charonne không chỗ nào, không người nào, không hòn đá, bụi cây, ngọn cây hay hàng rào đóng cọc nào, không xó xỉnh nào dù nhỏ đến đâu mà nó không rõ mùi, không nhận ra được và không giữ chặt cái mùi riêng của từng thứ trong trí nhớ. Nó đã tích lũy cả vạn, trăm nghìn mùi riêng biệt, sẵn sàng khi cần đến, thật rõ ràng, đủ loại, để không những có thể nhớ lại khi ngửi chúng mà còn thật sự ngửi thấy chúng mỗi khi nhớ lại, hơn thế nữa, chỉ cần qua tưởng tượng thôi nó đã biết phối hợp chúng để tạo ra những mùi không hề có trong thế giới thực tế. Như thể nó làm chủ một vốn từ khổng lồ tự học về mùi khiến nó có đủ khả năng tạo ra cơ man mùi đủ loại ở một lứa tuổi mà những đứa trẻ khác còn lắp bắp đặt những câu đầu tiên đầy lỗi để mô tả thế giới với những từ được người ta ra sức nhồi nhét. Năng khiếu của nó có thể so sánh sát nhất với năng khiếu một thần đồng âm nhạc, nghe giai điệu và hoà âm mà tìm ra từng âm, như từng mẫu tự, và rồi tự sáng tác giai điệu và hoà âm mới hoàn chỉnh. Tất nhiên khác ở chỗ mẫu tự của mùi thì nhiều và tinh tế hơn là của âm. Thêm một điểm khác nữa là những hoạt động sáng tạo của thần đồng Grenouille chỉ diễn ra bên trong nó, ngoài nó ra không ai cảm nhận được.

Càng ngày nó càng sống khép kín hơn. Nó thích nhất đi lang thang một mình phía bắc Faubourg Saint-Aintoine, qua những vườn cau, những đồng nho, bãi cỏ. Có khi tối đến nó không về, biệt tăm mấy ngày liền. Nó chịu bị đòn bằng gậy mà chẳng hề tỏ ra đau đớn. Cấm không cho ra ngoài, bắt nhịn đói, phạt làm việc nặng cũng không thay đổi được cung cách của nó. Một năm rưỡi đi học thất thường ở trường đạo Notre Dame de Bon Secours cũng không có tác dụng trông thấy nào. Nó hoc đánh vần chút ít, học viết tên nó, thế thôi. Thầy giáo cho nó là đần độn.

Madame Gaillard, ngược lại, thấy là nó có một số khả năng và đặc tính rất khác thường nếu không nói là siêu tự nhiên, chẳng nó hoàn toàn không sợ đêm và bóng tối như trẻ con bình thường. Bất cứ lúc nào người ta cũng có thể sai nó xuống hầm lấy cái gì đó mà những đứa kia ngay cả có đèn cũng không dám làm, hay ra nhà kho lấy gỗ trong đêm tối như mực. Chẳng lần nào nó mang theo đèn mà vẫn tìm ra và tức khắc đem về cái được đòi hỏi mà không một động tác sai, không vấp ngã hay xô đổ một thứ gì. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là hình như nó có thể nhìn xuyên qua giấy, vải, gỗ và qua cả tường gạch hay cửa khóa nữa. Madame Gaillard tin rằng đã phát hiện ra như thế. Nó biết có bao nhiêu đứa trẻ và những đứa nào trong phòng ngủ dù không bước chân vào đấy. Nó biết trong bông súp lơ có một con sâu trước khi tách bông ra. Có một lần bà không tìm thấy tiền bởi cất quá kỹ (bà đổi chỗ cất luôn), nó không hề tìm lấy một giây mà chỉ ngay vào một chỗ sau xà ngang lò sưởi, y như rằng! Thậm chí nó có thể nhìn thấy cả tương lai, chẳng hạn nó báo có khách khi khách còn chưa đến hay báo trước không sai một trận bão dù trên bầu trời không một vẩn mây. Nó không nhìn những cái ấy bằng mắt mà đánh hơi bằngcái mũi ngày một thính và ngửi ngày một chính xác hơn, con sâu trong bông súp lơ, tiền sau cái xà ngang, người sau tường và còn ở xa tới mấy quãng đường, thế thì có nằm mơ Madame Gaillard cũng không thể đoán được, kể cả nếu cái đánh bằng que cời lò sưởi ọ không gây tổn hại cho khứu giác của bà. Đần với chả độn, bà tin chắc rằng thằng nhỏ phải có một bộ mặt thứ hai. Vì bà biết rằng kẻ hai mặt đem theo điều gở và cái chết nên nó làm bà ớn. Ớn hơn nữa, đến không thể chịu nổi là sự lo lắng phải ở chung nhà với một kẻ có biệt tài nhìn qua cả tường lẫn xà ngang thấy được tiền đã giấu kỹ. Một khi đã phát hiện cái khả năng đáng sợ của Grenouille bà liền tìm cách tống khứ nó. Khi ấy nó được tám tuổi.May sao cũng khoảng thời gian ấy tu viện Saint-Merri ngưng trả tiền hàng năm cho nó mà không nêu lý do. Bà không đòi. Giữ đúng phong cách, bà đợi thêm một tuần lễ nữa và khi tiền vẫn không tới, bà mới dắt nó vào phố.

Bà quen một người thợ thuộc da tên là Grimal ở gần sông, trên Rue de la Mortellerie, cần người phụ việc còn trẻ, không phải người học nghề thật sự hay thợ phụ mà là cu li rẻ tiền. Trong nghề này có những công việc nguy hiểm như cạo thịt từ da súc vật thối rữa, trộn các dung dịch độc hại để thuộc và nhuộm da, đun nước vỏ dà…mà một người thợ cả có ý thức trách nhiệm cố tránh không phung phí những thợ phụ có tay nghề, chỉ dùng bọn hạ lưu vô nghề nghiệp, bọn du thủ du thực và ngay cả trẻ vô thừa nhận để không ai truy cứu trong những trường hợp khả nghi. Tất nhiên là Madame Gaillard biết rằng Grenouille không có khả năng sống sót trong cái xưởng thuộc da của Grimal, theo xét đoán thông thường. Nhưng bà không phải thứ phụ nữ bận tâm về chuyện ấy. Bà đã làm xong bổn phận. việc coi sóc đã chấm dứt. Cái gì sẽ đến với đứa nhỏ không dính dáng tới bà.Nó sống được thì tốt, nó chết cũng không sao. Cái chính là phải đúng luật. Thế là bà đòi Monsieur Grimal xác nhận bằng giấy mực việc bà trao thằng nhỏ, còn bà ký nhận mười lăm quan tiền hoa hồng rồi trở về nhà ở Rue de Charonne. Bà chẳng cảm thấy lương tâm cắn rứt tí nào. Ngược lại, bà tin rằng không những chỉ làm đúng luật mà còn chính đáng nữa vì giữ lại một đứa nhỏ không ai trả tiền nhất thiết sẽ lạm vào tiền dành cho những đứa khác, thậm chí của chính bà, rồi biết đâu phương hại đến tương lai của trẻ khác và cả của bà; được chết một mình, kín đáo, không chung đụng, đó là giấc mơ duy nhất của cả đời bà.

Vì chúng ta chia tay với Madame Gaillard ở đoạn này của câu chuyện và sau đó không gặp bà nữa, chúng ta hãy dành it dòng viết về đoạn cuối của cuộc đời bà. Thật chẳng may cho bà, mặc dù đã chết từ bên trong từ thời con gái, Madame lại sống lâu, rất lâu. Năm 1782, khi đã ngót bảy mươi tuổi, bà không hành nghề nữa, mua hưu bổng như đã tính rồi ngồi ở nhà chờ chết. Nhưng cái chết không đến, mà thay vào đó là một thứ khác mà không ai trên thế giới lại có thể lường được và cũng chưa từng xảy ra trong nước, đó là Cách mạng, có nghĩa là thay đổi nhanh chóng toàn bộ những quan hệ xã hội, đạo đức và những giá trị siêu việt. Lúc đầu thì cuộc Cách mạng này không ảnh hưởng gì đến số phận của riêng Madame Gaillard gì cả. Nhưng khi bà ngót tám mươi, đột nhiên người quản lý hưu bổng của bà phải di cư sang nước ngoài, tài sản của ông ta bị tịch biên và bị bán đấu giá cho một người sản xuất quần. Trong một thời gian dài, xem ra sự thay đổi này cũng không gây ra một ảnh hưởng gì tai hại cho Madame Gaillard vì người sản xuất quần vẫn tiếp tục trả đúng hạn hưu bổng. Nhưng đến một ngày kia bà không còn được nhận tiền bằng kim loại nữa mà dưới dạng in trên giấy, đó là khởi đầu của sự suy sụp.

Sau hai năm thì hưu bổng không đủ để trả tiền củi. Madame buộc phải bán nhà với giá rẻ mạt vì bỗng nhiên không phải chỉ có mình bà mà hàng nghìn người khác cũng phải bán nhà. Bà lại chỉ nhận được tiền đối lưu những mảnh giấy vớ vẩn nọ chỉ để hai năm sau hầu như chẳng còn chút giá trị nào, và năm 1797, bà mất sạch cái tài sản ký cóp được trong ngót một trăm năm làm lụng cực nhọc, phải ở trọ trong một căn phòng nhỏ xíu có sẵn đồ đạc ở Rue des Coquilles, khi đó bà đã gần chín mươi. Mãi lúc này, muộn mất mười, hai mươi năm, cái chết mới đến do ung thư họng lâu năm, trước hết cướp đi của bà sự ngon miệng rồi đến tiếng nói, do đó bà không thốt lên được một lời nào phản đối khi bị chở đến Hotel Dieu. Ở đây, bà bị đưa vào chính cái căn phòng mà chồng bà đã nhắm mắt, cùng với hàng trăm người bệnh sắp chết khác, bị nhét vào trong một cái giường với năm bà già lạ hoắc khác, nằm như cá hộp suốt ba tuần để rồi chết trước mắt bao người. Bà đã được bỏ vào bao khâu lại, bị quẳng lên xe kéo lúc bốn giờ sáng cùng với năm mươi xác nữa rồi được chở trong tiếng chuông rung yếu ớt đến nghĩa trang mới hình thành ở Clamart, cách cổng thành một dặm, ở đây bà được đặt vào một ngôi mộ tập thể phủ một lớp vôi sống dầy, đó là nơi an nghỉ cuối cùng của bà.

Đó là năm 1799. Rất may là khi đi về nhà vào cái ngày nọ của năm 1747, rời bỏ thằng bé Grenouille và câu chuyện của chúng ta, Madam không mảy may linh cảm về số phận sẽ đến với bà. Nếu có biết đâu bà sẽ chẳng mất niềm tin vào sự công bằng và cùng với nó là cái ý nghĩa duy nhất mà bà hiểu về cuộc đời.

footer(); ?>